Một trong những thói quen xấu dễ nhận thấy nhất ở đa số sinh viên là luôn nói “Hôm nay tôi sẽ học lúc …”.
Thực ra, “học” không phải đơn thuần bằng lời nói chung chung, nó cần một kế hoạch rõ ràng.
1.
HỌC KHÔNG CÓ KẾ HOẠCH
Ví dụ, bạn đừng nghĩ đến việc vào thư viện để “học”, chỉ phí thời gian thôi. Thay vào đó, hãy đặt ra mục tiêu cho mình:
- Tôi sẽ đọc cuốn sách…từ trang…đến trang …
- Tôi sẽ giải xong bài tập này trong ngày…
- Tôi sẽ viết xong bài luận này trong…giờ
Vì thế, hãy dẹp bỏ thói quen nói chữ “học”. Học là một quá trình, một tập hợp những hành động có kết quả. Từ bỏ thói quen này không dễ, nhưng nếu làm được rồi thì bạn sẽ thấy bản thân giải quyết bài tập được giao không những nhanh chóng mà còn có kết quả tiến bộ hơn bạn nghĩ đấy.
2.
HỌC NHẢY
Nhiều sinh viên nghĩ rằng học càng nhanh càng tiết kiệm thời gian, nếu trùng lịch học thì mượn bài vở của bạn bè cũng được. Nhưng đây thực sự là một sai lầm lớn. Hãy nghĩ xem, đầu óc bạn không thể tiếp thu một lúc một khối lượng lớn kiến thức được. Bạn nhớ được phần này thì quên phần kia, hoặc tệ hơn - bạn bỏ qua cả những phần không hiểu và mục tiêu đặt ra là hoàn tất tín chỉ/môn học mà thôi.
Về lâu dài, những kiến thức chắp vá đó sẽ làm hại bạn, cái gì bạn cũng biết nhưng chẳng cái nào biết rõ. Do đó hãy thôi ý nghĩ học nhảy và đem tài liệu về đọc đi nhé. Tham dự lớp học, lắng nghe bài giảng, nghiên cứu kĩ môn học và vận dụng vào thực tế cuộc sống, bạn sẽ thấy kết quả tuy chậm mà chắc.
3.
HỌC VẸT
Chắc hẳn ai cũng từng có lúc học vẹt bằng cách thầm thì những bài học trong đầu đến khi nhớ thì thôi. Nhưng một vài lần thì có thể được, còn khi nó đã trở thành thói quen học tập thì rất nguy hiểm đấy bạn ạ.
Hãy tự tưởng tượng lại bài học, những ý chính và nói ra thành tiếng những gì bạn nhớ được. Sau đó kiểm tra lại trong tài liệu xem mình sai chỗ nào, thiếu chỗ nào và lặp lại bước trên.
Không cần thiết phải xem đi xem lại bài học hàng chục lần, nếu bạn không nắm bắt được cơ bản bài đó nói gì thì việc ghi nhớ sẽ rất khó khăn và dễ lẫn lộn. Điều này rất hữu ích khi bạn cần chuẩn bị cho một bài thi viết mà thời gian đã rất gấp rút.
4.
HỌC SAU NỬA ĐÊM
Rất nhiều người nghĩ rằng học trong khoảng 10 -11 giờ đêm là hiệu quả nhất, sau đó họ học đến 3 - 4 giờ sáng. Hậu quả là gì ? Sáng hôm sau bạn thức dậy với hai mắt nặng trĩu, chữ nghĩa bay biến đâu mất, bài nọ lẫn sang bài kia, lớp học trở thành nỗi ám ảnh và bạn chỉ cầu mong được chợp mắt thêm một lát. Lời khuyên là: học sớm, chia thành những khoảng thời gian nhỏ, cố gắng tận dụng thời gian triệt để nhưng cũng phải để bản thân nghỉ ngơi 5-10 phút sau 1 tiếng học. Cố gắng xong trước nửa đêm để có một giấc ngủ trọn vẹn và chuẩn bị cho ngày học sau.
5.
KHÔNG CHỊU GHI CHÚ
Bạn thường đọc nhiều nhưng rất hiếm khi bạn ghi chú thêm gì sau khi đọc? Thói quen này thực sự rất đáng lo đấy. Vì ghi chú lại những gì mình rút ra được sau khi đọc một dòng/trang/chương sách nào đó sẽ cho bạn thấy bạn hiểu vấn đề đến đâu. Nếu bạn chẳng rút ra được điều gì, nghĩa là khi vào bài thi khả năng bạn trả lời hết các câu hỏi cũng sẽ kém đi nhiều.
Không thể nào có chuyện đọc bài trước vài ngày là có thể vào phòng thi làm bài tốt được. Do đó, mỗi khi đọc một tài liệu, hãy tập cho mình thói quen ghi lại nhận xét, suy nghĩ, những gì bạn cảm thấy có liên quan…vào một tờ giấy nhỏ và kẹp ở đó. Khi cần xem lại, những gì của bạn sẽ khắc sâu trong trí não bạn hơn. Đó là cách học hiệu quả của một người học thông minh!
Quỳnh Anh
(MTO 4 - 19/4/2010)